Trong kinh doanh, nhiều doanh nghiệp quá quan tâm tới báo cáo tài chính theo lãi lỗ của công ty mà quên mất vấn đề mất kiểm soát dòng tiền (Cashflow). Trên thực tế thì kinh doanh trong thời đại ngày nay vấn đề dòng tiền và tiền mặt có tầm quan trọng không kém gì lợi nhuận bởi những thiệt hại do kẹt dòng tiền kinh doanh gây ra là vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dưới đây là 5 vấn đề thường gặp về dòng tiền và cách giải quyết:
1. Các chi phí overhead quá cao
Các chi phí overhead (có thể gọi là các chi phí chìm phụ trội) là các chi phí để vận hành doanh nghiệp mà không được tính trực tiếp vào giá thành của sản phẩm/dịch vụ, điển hình là các chi phí thuê mặt bằng, điện thoại, điện nước, đi lại, phụ phí v.v… Đó là những chi phí thường xuyên, cần thiết nhưng đôi khi bị coi là vụn vặt hoặc ít được quan tâm, tất cả những chi phí đó gộp lại có thể trở thành nguy cơ cao đối với chi phí chung của doanh nghiệp bạn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ khi mà lượng sản phẩm/dịch vụ bán ra chưa nhiều.
Giải pháp
Giải pháp đối với các chi phí overhead này không khó, nhưng thật sự đòi hỏi sự quan tâm của sâu sát của chủ doanh nghiệp. Việc cắt giảm những chi phí này đôi khi gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới hiệu quả hoạt động của công ty. Một giải pháp khác là chọn những phương án giá rẻ hơn: chẳng hạn thay vì gọi điện trực tiếp thì có thể gọi qua Internet bằng các phần mềm liên lạc, sử dụng các phầm mềm quản lý để kiểm soát hiệu quả chi phí, tiết kiệm điện nước…
Khách hàng thanh toán chậm
Khách hàng thanh toán chậm là một trong những nguyên nhân gây kẹt dòng tiền cực kỳ phổ biến trong kinh doanh, đôi khi có thể gọi là một hình thức “chiếm dụng vốn”. Nếu doanh nghiệp bạn chịu sự chi phối của khách hàng, nhất là những khách hàng lớn thương hiệu mạnh với thời hạn trả chậm lên tới 30 tới 90 ngày thì nguy cơ bị phá vỡ cơ cấu dòng tiền sẽ rất cao. Doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể tăng trưởng được nếu bị ràng buộc như vậy.
Giải pháp
Thông thường có 2 giải pháp cơ bản để giải quyết nguy cơ kẹt dòng tiền do thanh toán chậm:
– Giảm giá cho khách hàng để đổi lại nhận thanh toán sớm, doanh nghiệp cần có sự tính toán mức chiết khấu hợp lý để tránh bị xói mòn lợi nhuận.
– Giải pháp thứ 2 là sử dụng hợp đồng đã ký với khách hàng để vay ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên đây là giải pháp không hề dễ thực hiện và tất nhiên bạn cũng vẫn phải chịu lãi suất từ việc vay này.
Tồn kho
Vấn đề này xảy ra với doanh nghiệp sản xuất hoặc thương mại khi phải lưu giữ một lượng hàng hóa tồn kho lớn, khi đó dòng tiền sẽ nằm trong lượng hàng hóa chưa bán được nói trên và khiến doanh nghiệp bị kẹt nguồn vốn trong đó.
Giải pháp
Luôn luôn có kế hoạch sản xuất hoặc nhập hàng hợp lý, đồng thời phải có dự đoán tốt về nhu cầu thị trường, cân đối lượng tiền mặt cũng như năng lực của nhà cung cấp. Luôn luôn kiểm soát chặt chẽ lượng hàng và khi cần sẵn sàng giảm giá để thanh lý toàn bộ hàng tồn, tránh để càng lâu càng mất giá. Đối với các doanh nghiệp thương mại thì cố gắng bảo đảm thanh toán càng chậm càng tốt, đồng thời nếu bạn thu được tiền đặt cọc của khách hàng trước mỗi lô hàng thì đó lại thật tuyệt vời.
Quá nhiều nợ xấu
Nợ xấu xảy ra khi bạn bán chịu cho khách hàng xấu và không nhận được thanh toán đúng kỳ hạn, đôi khi gặp phải khách hàng đang trong tình trạng khủng hoảng không thể thu xếp thanh toán dẫn tới nguy cơ bạn bị mất trắng khoản tiền nằm trong hàng hóa đó.
Giải pháp
– Với khách hàng mới, hãy yêu cầu thanh toán đầy đủ trước khi nhận hàng.
– Hãy luôn luôn kiểm tra uy tín cũng như thời hạn thanh toán của khách hàng trước khi mở rộng hay gia hạn điều khoản trả chậm.
– Theo dõi chặt chẽ các khách hàng và chọn những khách hàng tốt nhất để “chọn mặt gửi vàng”
– Giữ khoản nợ xấu ở mức độ chấp nhận được, căn cứ vào tình hình kinh doanh chung của thị trường cũng như của công ty.
Không bảo đảm được mức lãi gộp (gross margin)
Lãi gộp là khoản lợi nhuận bạn thu được trên đầu sản phẩm/dịch vụ của bạn, mức lãi gộp đủ lớn sẽ giúp bạn có lợi nhuận tốt để tái đầu tư và duy trì được công ty phát triển. Tuy nhiên trên thực tế thì các doanh nghiệp nhỏ có rất ít cơ hội bán được hàng với mức lãi gộp cao do phải chịu sự cạnh tranh gay gắt ngay trên thị trường và sự chèn ép của các đối thủ khổng lồ.
Giải pháp
Để có thể tồn tại và phát triển, việc kiểm toán nội bộ đối với sản phẩm/dịch vụ của công ty kèm theo đó là tính gộp cả những chi phi khác là vô cùng cần thiết. Là chủ một doanh nghiệp nhỏ, nhưng bạn cần kiến thức cơ bản về kế toán và phối hợp với bộ phận tài chính kế toán của bạn thật tốt để xác định rõ mức lãi gộp của bạn có đủ để giúp công ty tồn tại và phát triển hay không. Một khi đã có báo cáo tài chính hợp lý đối với mức lãi gộp của từng sản phẩm/dịch vụ, hãy bắt đầu thực hiện các biện pháp tích cực:
– Nếu có thể, hãy tăng giá các sản phẩm có mức lãi gộp thấp
– Nếu không thể tăng giá, hãy loại bỏ các sản phẩm có lãi gộp thấp, nhưng cần lưu ý mức độ chia sẻ chi phí của sản phẩm đó đối với toàn công ty như thế nào để có quyết định phù hợp. Đôi khi sản phẩm có lãi gộp thấp, nhưng nó đang gánh các chi phí giúp cho các sản phẩm khác của bạn.
– Hãy bảo đảm mức giá bạn đưa ra được căn cứ vào chi phí vốn của sản phẩm.
Bình luận