Tôi không so sánh các dân tộc với nhau trên bình diện quốc tế mà chỉ nhìn nhận đánh giá những gì thấy được tại đất nước Ghana này. Cộng đồng Li-băng (hay Ả rập) là một cộng đồng rất mạnh và thành công, cộng đồng Ấn Độ rất chịu khó trong khi cộng đồng Việt Nam thì nhỏ bé manh mún còn Trung Quốc thì rất đoàn kết và đông đảo… Tất nhiên so sánh cũng có phần khập khiễng vì người Việt có sang Ghana mấy đâu, nhưng đây là nhìn nhận của cá nhân tôi để độc giả có cái nhìn rõ ràng hơn về người nước ngoài tại đây.
Li-băng – cộng đồng của những ông chủ
Tại Ghana, không khó để bạn gặp được nhiều người Ả rập, mà cộng đồng người Li-băng đông đảo là đại diện của họ. Người Li-băng vốn có xu hướng xuất ngoại để tìm các cơ hội và tránh nguy cơ loạn lạc trong nước, họ luôn sẵn sàng định cư tại quốc gia họ đặt chân đến, nhưng vẫn xây dựng cộng đồng riêng họ với nền văn hóa đặc trưng và không bị đồng hóa bởi dân bản địa.
Điểm khác biệt đặc trưng của cộng đồng này là “tư duy ông chủ”, bạn có thể bắt gặp một giám đốc công ty người Li-băng thành đạt với những chiếc xe hơi hoành tráng, nhưng có thể gặp những ông già ngồi trong cửa tiệm bán lốp ô tô cũ, hay cả những thanh niên bán đồ điện tử, máy tính ngay tại khu Osu. Nhỏ cũng là “ông chủ”, to cũng là “ông chủ”, nhưng họ biết lựa chọn cho riêng mình hướng đi phù hợp và giảm thiểu việc cạnh tranh ngay trong cộng đồng. Nếu tôi đã bán lốp xe thì anh bán phụ tùng đi, 1 ông chủ cửa hàng lốp xe người Li-băng là duy nhất trong cả khu phố và cạnh tranh với người Ghana chứ không mấy khi thấy ông chủ Li-băng thứ hai cũng kinh doanh lốp xe. Đây chính là điều đã giúp họ thành công tại Ghana này nhờ kỹ năng quản trị tốt, khả năng đàm phán cực giỏi và luôn giữ chữ tín trong làm ăn. Người Li-băng không giấu giếm ước mơ thành ông chủ và luôn biết chọn cho mình hướng đi phù hợp để họ thực sự là ông chủ. Rất nhiều khu đất đẹp tại Accra là sở hữu của các ông chủ Li-băng, hệ thống kho bãi văn phòng ở cảng Tema cũng có tên tuổi của họ và các hệ thống bán buôn, bán lẻ, xuất nhẩu khẩu hay những mặt hàng phân phối độc quyền cũng đều trong tay họ. Các thế hệ 2, 3 của người Li-băng cũng chọn cho mình định cư tại Ghana, họ có thể sinh ra tại Ghana nhưng nói tiếng Ả rập và viết cũng chữ Ả rập. Họ hiểu người Ghana bởi họ cũng như dân bản địa, nhưng họ đẳng cấp hơn, không né tránh khó khăn và uy tín gấp cả trăm lần dân Ghana.
Tôi được tiếp xúc và làm việc thường xuyên với một số người bạn Ả rập, hiểu hơn về văn hóa của họ và nguyên tắc làm việc, rất thích phong cách và uy tín của người Li-băng, họ dám nghĩ dám làm và đã làm là muốn làm lớn. Chính vì vậy từ ngữ chính xác để tôi có thể mô tả họ là “Cộng đồng của những ông chủ”
Ấn Độ – những kẻ làm thuê chuyên nghiệp
Cộng đồng người Ấn tại Ghana cũng rất đông đảo, họ chọn con đường sản xuất bằng cách đưa công nghệ cũ vào Ghana, thương mại hàng nông sản tại bản địa hoặc xuất nhập khẩu một số mặt hàng thế mạnh. Nhưng nhìn cách người Ấn Độ làm việc và quản lý thì tôi đánh giá họ là “cộng đồng của những kẻ làm thuê chuyên nghiệp”.
Nếu bạn thuê một người Ấn Độ để làm, họ rất tận tụy và không ngại khó ngại khổ. Nếu cử 1 anh Ấn Độ lên rừng, họ có thể ăn ở trong đó như người Ghana tới vài tháng mà không hề kêu ca phàn nàn. Người Ấn Độ quản lý tài chính rất chặt chẽ và thường hiếm khi để sơ hở về mặt tiền nong, chính vì vậy nếu bạn thuê Ấn Độ quản lý cho bạn, họ sẽ rất hà khắc về chuyện tiền đối với nhân viên cấp dưới (điều này tốt đấy chứ), còn ai làm thuê dưới quyền của các ông chủ Ấn thì có lẽ phải kêu trời về sự chặt chẽ (đôi khi là keo kiệt) của họ.
Người Ấn không có những kỹ năng trong xử lý việc cụ thể nhanh nhẹn và khéo léo như Việt Nam, nhưng họ có lợi thế về tiếng Anh và rất biết ngoại giao luồn lách (nhưng vẫn phải tiết kiệm). Họ có sự phân biệt đẳng cấp rất rõ ràng, ông chủ đã nói là đừng có cãi, “ông chủ luôn luôn đúng” là điều họ luôn tâm niệm. Văn hóa Ấn Độ cũng coi trọng vị thế của người đàn ông trong gia đình, do đó phải kiếm được tiền đó là con đường duy nhất để người đàn ông khẳng định vai trò của họ. Người Ấn cũng không ngại đi xa và lao vào những con đường khó khăn để kiếm tiền, họ cũng không sợ bị sức ép gia đình kêu gọi trở về mà quan trọng nhất là phải gửi đủ tiền về chu cấp. Đây là đặc trưng cơ bản của người Ấn Độ tại đây và tôi nghĩ bản tính chăm chỉ, chặt chẽ của họ như vậy sẽ không khó để giải thích vì sao CEO của các tập đoàn lớn như Microsoft, Pepsi, Google là người Ấn Độ…
Trung Quốc – sức mạnh của số đông
Cộng đồng Trung Quốc thì ở đâu cũng đông, ngay tại Ghana này thì họ là đông nhất, dễ lên tới hơn 10,000 người. Người Trung Quốc khả năng ngôn ngữ không mạnh bằng các dân tộc khác, do vậy họ dựa vào nhau để trở thành một cộng đồng với sức mạnh số đông. Chính sách của Chính phủ Trung Quốc là ưu tiên xuất khẩu, do vậy họ là cộng đồng để đảm bảo đưa hàng hóa Trung Quốc vào thống lĩnh thị trường Ghana, đây là điều có lẽ không khó để nhận biết.
Cộng đồng Trung Quốc cũng rất chăm chỉ và không ngại định cư tại Ghana để xây dựng doanh nghiệp phát triển lâu dài. Họ đem tất cả các tiểu xảo từ Trung Quốc sang như hối lộ, hàng hóa chất lượng thấp, giá rẻ, trốn thuế, lách luật… để đảm bảo duy trì hệ thống kinh doanh của họ. Họ sẵn sàng chung chi cho đội ngũ quan chức bản địa, từ cảnh sát tới xuất nhập cảnh, chui cả lên rừng để đào vàng và càn quét không thương tiếc tài nguyên quốc gia. Họ cũng có Chính phủ Trung Quốc chống lưng phía sau để đưa các tập đoàn lớn về xây dựng, nhiệt điện, năng lượng… sang để cùng hỗ trợ và tất nhiên có chuyện gì xảy ra với công dân Trung Quốc thì Đại sứ quán sẽ can thiệp ngay tắp lự. Họ có cộng đồng biết bảo ban nhau để cùng kinh doanh thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Họ biết tạo dựng những mô hình kinh doanh chỉ để phục vụ cộng đồng Trung Quốc như nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, kể cả gái cũng đưa từ Trung Quốc sang để phục vụ.
Tôi ít có cơ hội làm việc với người Trung Quốc bởi không có tiếng nói chung (họ nói tiếng Anh quá kém), nhưng những gì “nổi tiếng” của người Trung Quốc thì có lẽ nên đặt tên cho họ là “cộng đồng của những thương gia”.
Việt Nam – cộng đồng không bao giờ lớn
Trong khi các cộng đồng khác ngày càng lớn mạnh và phát triển thì cộng đồng Việt Nam có xu hướng thu hẹp và nhỏ dần. Tư duy tiểu nông manh mún vẫn luôn ăn sâu vào con người Việt với kiểu “làm sao đủ ăn là được rồi”, “họ làm thì mình cũng làm là cũng có ăn”, “việc gì phải đi xa cho khổ”… khiến cho mô hình kinh doanh phổ biến nhất của Việt Nam tại đây là Photo Labs. Rất nhiều các “ông chủ Việt” vốn xuất thân là làm thuê cho những người đặt nền móng đầu tiên tại Ghana giờ đang vật lộn với doanh thu và chết dần chết mòn vì bài toán tỷ giá. Đâu đó cũng có một vài ý tưởng như nuôi tôm, đánh gạo, đưa hàng hóa Việt Nam sang… nhưng rồi cũng đều có một kết quả tương đối giống nhau là… thất bại.
Thực ra việc thất bại cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Người Việt chúng ta nói chung có sự khéo léo, nhanh nhẹn và nếu đặt ra việc cụ thể để xử lý thì luôn giỏi hơn đa số dân tộc khác, kèm theo đó là rất nhiều tiểu xảo trong công việc. Tư duy này nếu anh làm thuê thì có thể trộm cắp, kiếm chác, học lỏm để rồi ra thành một “ông chủ nhỏ”, nhưng để phát triển xa và rộng thì không bao giờ. Khí chất “anh hùng” của người Việt cũng rất nổi trội và sẵn sàng phá giá nhau để miễn là đập chết thằng bên cạnh, nhưng đấy là người Việt với nhau thôi, còn khi gặp tụi công chức Ghana gây khó dễ thì tất cả đều dúm dó, sợ sệt và nhanh nhanh hối lộ cho xong việc.
Tư duy manh mún kèm với một tầm nhìn ngắn hạn khiến cho họ chỉ thích bắt chước và chọn con đường an toàn để đi, thay vì tìm ra những cơ hội tốt để vươn lên tại nơi xứ người. Nếu khó khăn quá thì con đường trở về Việt Nam luôn vẫy gọi, nên không cần phải cố gắng quá. Xu hướng “bè phái” cũng tương đối rõ nét và dễ dàng nhận ra trong cộng đồng của chúng ta. Nếu tuyển một người Việt Nam làm cho bạn, hãy nhớ tới một số điểm sau:
- Bắt nhịp nhanh nhưng chóng chán
- Hay tự cho mình là quan trọng
- Hay bàn tán về công ty, về người chủ thay vì nghĩ tới hướng làm công ty phát triển hơn
- Hay so sánh, đứng núi này trông núi nọ
- Giấu nghề và không welcome những người mới tới vì sợ học mất nghề
- Nếu biết một số việc thì đã nghĩ ngay tới việc có thể ra làm riêng để kiếm nhiều tiền hơn, mặt dù kỹ năng quản trị hạng bét.
- Khí chất “anh hùng”, nên trên đời tao chẳng sợ ai, chỉ sợ tụi cơ quan công quyền
Có lẽ tôi nên đặt cái tên là “cộng đồng của những kẻ làm thuê thích làm ông chủ”
Kết luận
Mỗi cộng đồng đều thể hiện cái “chất” của họ và nếu chúng ta hiểu được họ thì sẽ rất dễ quan hệ làm ăn, hợp tác hay tuyển dụng. Có thể bài viết này mang nặng suy nghĩ cá nhân, nhưng những gì trải nghiệm có lẽ cũng ít nhiều không quá sai lệch đối với các cộng đồng tại Ghana. Chính yếu tố đó mà tôi nghĩ rằng nên:
- Hợp tác làm ăn với Li-băng (Ả rập nói chung)
- Thuê người Ấn Độ
- Tránh cạnh tranh trực diện với Trung Quốc
- Có những người thân tín Việt Nam để xử lý các sự vụ rất cụ thể trong công việc.
Hi vọng sẽ hữu ích cho mọi người.
Bình luận