Châu Phi có cái gì đó bí ẩn, hoang dã, vô tổ chức và khiến nhiều doanh nghiệp chùn bước mỗi khi nghĩ tới một kế hoạch kinh doanh tại nơi đây. Trong buổi hội thảo Bông Châu Phi 2015 diễn ra ngay trong vụ Bông năm ngoái, đa số các nhà nhập khẩu bông, kéo sợi tại Việt Nam đến chỉ để phàn nàn và nghe thông tin từ “các nhà tổ chức” đến từ Âu Mỹ. Có những câu hỏi đặt ra rất rõ ràng như: “làm thế nào để mua trực tiếp được Bông Châu Phi?”, và xin thưa là để làm được điều đó là cả vấn đề không hề đơn giản. Không thể có câu trả lời từ các tập đoàn Âu Mỹ, và chắc chắn là cũng chẳng có feedback từ các đối tác Châu Phi, tại sao vậy?
Qua một loạt các vòng đàm phán, gửi báo giá, thông qua cò, gặp các tập đoàn Bông quốc gia của Bờ Biển Ngà, Mali, Benin… và cho tới cả các cơ quan giám định chất lượng ACE thì chúng tôi cũng có được khá đầy đủ thông tin về mô hình kinh doanh bông tại Tây Phi. Cũng không dễ dàng gì để gặp được Tổng giám đốc của các Tập đoàn như:
– Compagnie malienne pour le développement du textile (CMDT) – Mali
– Cotton & Fibre Development Company of Côted’Ivoire (CIDT) – Bờ Biển Ngà
– SONAPRA – Benin
– SOFITEX – Burkina Faso
Nhưng khi đã gặp được thì lại không khó khăn gì để có những bước đàm phán mở rộng quan hệ kinh doanh. Tuy nhiên, cũng như nhiều mặt hàng khác tại đây, việc mua bông là cả 1 quy trình lằng nhằng, đòi hỏi phải có sự tổ chức, tin cậy và có các đối tác đủ mạnh tại Tây Phi để phát triển nguồn bông cho Việt Nam. Để trả lời cho câu hỏi “Vì sao không thể mua trực tiếp Bông Tây Phi?”, hãy tìm hiểu về văn hóa kinh doanh ngành bông tại đây trước khi dẫn tới câu trả lời.
Văn hóa tiền mặt
Khác với các lục địa khác, Châu Phi là nơi vẫn mang đậm phong cách tiền mặt đặc trưng và có lẽ trong vòng 10 năm nữa cũng khó mà thay đổi. Khả năng quản lý tiền mặt kém, thiếu uy tín trong quan hệ giao thương, sự lũng đoạn của các chính phủ/tập đoàn, rủi ro do thất thoát và quản lý yếu kém… là những nguyên nhân tạo nên văn hóa này. Điều này dẫn tới mua cái gì cũng cứ phải tiền tươi, từ gỗ, hạt điều, vừng, nông sản v.v…
Vậy đi mua Bông thì sao? Các tập đoàn lớn kéo sợi tại Tây Phi cũng chỉ thích tiền mặt (đừng nghĩ là họ lớn thì họ vốn lớn, cho trả chậm), có tiền là có hàng, nếu không xin mời xếp hàng. Trong khi đó Việt Nam chúng ta thì dính quá nhiều lừa đảo của Châu Phi, hàng hóa sai lệch, ký chất lượng cao nhận về hàng chất lượng kém… nên chẳng ai dại gì dùng tiền mặt cả, LC (Letter of Credit) là chắc ăn nhất.
Nếu các nhà nhập khẩu bông Việt Nam mà muốn mua trực tiếp tại Tây Phi, nhưng không có tiền mặt tại đây để trả thì xin mời các bạn tiếp tục mua của Âu Mỹ thông qua LC, vì họ chính là người dùng tiền mặt mua hàng tại Tây Phi này và bán lại cho Việt Nam. Rủi ro khi làm với các hãng lớn Âu Mỹ là rất thấp, nhưng bù lại cái giá sẽ cao.
Nếu giả sử các công ty Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền mặt để mua hàng, khó khăn chính là kênh chuyển tiền, chuyển vào đâu hàng triệu USD để thanh toán? Bài toán này có lẽ vẫn là bài toán quá khó đối với các doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường Tây Phi.
Chất lượng có đúng không?
Việc các nhà máy nhập bông Việt Nam phàn nàn rằng chất lượng bông thực tế kém hơn so với ký hợp đồng khiến cho họ bị thiệt hại mà không có cách nào kiện để tranh chấp. Câu hỏi này xin được trả lời luôn là bên phía bán hàng cho Việt Nam (các công ty Âu Mỹ) cũng chẳng muốn vậy, các tập đoàn lớn sản xuất bông tại Tây Phi cũng không làm thế, mà vấn đề là ở anh phụ trách giao bông tại cảng của các tập đoàn này. Hôm nay hứng thú lên thì bốc đúng so với đơn hàng, nhưng nếu không thì cứ bốc đại các lô nọ với lô kia cho xong việc. Như vậy ngoài việc hợp tác để có thể trả bằng tiền mặt, thì phía người mua cũng phải “dễ tính” một chút khi bị nhầm lẫn, còn không thì phải tự tổ chức một đội nhân viên kỹ thuật để kiểm tra từng lô bông xuất cảng, hoặc đơn giản hơn là hãy hối lộ anh phụ trách kho vận tại cảng để anh ấy làm đúng cho mình. Nhưng nên nhớ 1 điều là để có thể vào cảng “làm việc cùng họ” không hề dễ dàng, bởi việc mua bán qua nhiều khâu trung gian và không dễ gì các khâu trung gian này cho bạn được gặp trực tiếp để làm việc với các nhà sản xuất Tây Phi.
Các tập đoàn thương mại bông trên thế giới mua bông Tây Phi thế nào?
Không đơn thuần là mua, họ còn hợp tác trong việc đầu tư hỗ trợ cây giống, phân bón, sản xuất, kho vận… trước mỗi vụ bông và do đó họ được ưu tiên mua hầu như toàn bộ lượng bông Tây Phi. Đây chính là điều bảo đảm cho họ luôn có mức margin cao khi làm thương mại, nhưng đổi lại họ cũng phải chịu rủi ro lớn nếu mất mùa, thiên tai, hạn hán…
Cũng không thiếu các công ty mua thương mại, thậm chí qua 2-3 trung gian, mua lại của các nhà đầu tư trồng bông, có quan hệ với hợp tác xã… Nhưng việc ra đến chất lượng thế nào không phải họ kiểm soát mà vẫn bên phía Tây Phi. Nhưng điều chắc chắn là nếu Việt Nam chỉ tập trung vào mua bông mà không phát triển mối quan hệ tới tận nơi thì sẽ chẳng bao giờ có bông giá rẻ cho họ cả.
Bình luận