Trở thành triệu phú (đô la) là ước mơ của rất nhiều người bởi khối tài sản đó không hề nhỏ và số lượng người sở hữu nó chưa bao giờ vượt quá 1% dân số thế giới. Rất nhiều cuốn sách, khóa học, chương trình đào tạo… khuyến khích các bạn làm giàu, nghĩ như người giàu, hành động như người giàu để có thể được lọt vào danh sách VIP này. Vậy bạn có biết những triệu phú quản lý tài sản của họ như thế nào hay không? Danh mục đầu tư của họ được phân bổ ra sao? Trước khi trở thành triệu phú, hãy nên biết xu hướng quản lý tài sản của họ.
Định nghĩa lại triệu phú USD
Thông thường Triệu phú được định nghĩa là người có tài sản từ 1 triệu USD trở lên, đấy là cách đánh giá đơn giản và dễ dàng nhất. Tuy nhiên trong giới Tài chính và Đầu tư thì nếu chỉ có tài sản 1 triệu USD chưa chắc bạn đã là triệu phú. Đơn giản bởi 1 người dân có 1 cái nhà tại 1 khu vực tương đối đẹp tại London, New York hay thậm chí như Hà Nội đã được coi là có tài sản 1 triệu USD rồi. Cách định nghĩa của giới Tài chính thế giới về Triệu phú lúc này được thay bằng cụm từ “Người có giá trị tài sản lớn” – High-net-worth individual (HNWI), là những người có “tài sản có thể đầu tư” là 1 triệu USD trở lên.
Như vậy một triệu phú hay HNWI là người có tiền mặt, cổ phiếu hoặc bất động sản (không tính ngôi nhà đang ở) trong tay tương đương với 1 triệu USD trở lên và có thể sử dụng để đầu tư. Điều này sẽ loại trừ bớt các tài sản họ đang sử dụng như Bất động sản đang ở, ô tô, đồ trang sức… mà chỉ tính đến giá trị tiền bạc họ “có thể đầu tư”.
Định nghĩa về HNWI lại tiếp tục được mở rộng hơn nữa cho những “người có giá trị tài sản rất lớn” – Very High-net-worth individual (VHNWI) với giá trị tài sản từ 5 triệu USD trở lên và những “người siêu giàu” Ultra High-net-worth individual (UHNWI) với tài sản đầu tư lên tới 30 triệu USD trở lên.
Cho tới cuối năm 2015, chỉ có khoảng 13 triệu HNWI trên thế giới (chiếm ~0,17% dân số). Mỹ là quốc gia có số lượng triệu phú nhiều nhất, khoảng 4,1 triệu người, còn London là thành phố có nhiều triệu phú nhất với 376 nghìn người.
Các triệu phú đô la quản lý danh mục tài sản và đầu tư của họ như thế nào?
Theo “Báo cáo về thịnh vượng” mới nhất của Capgemini and RBC Wealth Management thì giới triệu phú thế giới phân bố tài sản như sau:
– 26,8% dưới dạng vốn sở hữu (equity) – là dạng cổ phần, cổ phiếu trong các công ty, đơn vị kinh doanh
– 25,6% là tiền mặt hoặc tương đương
– 17,6% là bất động sản (không tính bất động sản đang ở)
– 16,9% là thu nhập cố định (lương, lợi tức…)
– 13,0% là các đầu tư khác (như các quỹ tương hỗ, ngoại tệ, chứng khoán phái sinh, hàng hóa hay vốn sở hữu tư nhân)
Đối với từng danh mục lại có sự phân bố tương đối khác biệt, ví dụ như các triệu phú Nhật Bản lại thích giữ tiền mặt hơn hẳn so với các khu vực khác, họ giữ 37,1% tài sản dưới dạng tiền mặt trong khi chỉ bỏ 11,9% vào bất động sản. Các HNWI ở Bắc Mỹ thì lại đầu tư nhiều vào kinh doanh dưới dạng sở hữu cổ phần trong các công ty, trong khi đó các triệu phú ở Châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) thì chia các nguồn đầu tư, tài sản tương đối đồng đều.
Về mặt xu hướng thì so với 2014, năm 2015 có sự tăng trưởng đầu tư vào các công ty, cùng với đó là sụt giảm về tiền mặt dự trữ cũng như bất động sản. Mức thu nhập cố định thì tăng tương ứng với giảm nguồn đầu tư khác.
Học được gì từ phân bố tài sản của các triệu phú?
Điều dễ nhận ra nhất chính là “không bỏ trứng vào cùng 1 giỏ” khi mà tài sản của giới nhà giàu được phân bố tương đối đều giữa các hạng mục. Sự khác biệt đôi chút xảy ra đối với từng khu vực do yếu tố địa chính trị chẳng hạn Châu Phi & Trung Đông, Châu Mỹ Latin có tỷ lệ tài sản dưới dạng vốn chủ sở hữu khá thấp so với các lục địa khác, nhưng thu nhập cố định và các đầu tư khác lại cao đáng ngạc nhiên. Nhật Bản và Bắc Mỹ là hai khu vực kinh doanh năng động nên không ngạc nhiên khi thấy họ có tài sản lớn trong mảng kinh doanh, nhưng lại có tỷ lệ đầu tư vào Bất động sản thấp hơn hẳn.
Châu Á Thái Bình Dương là khu vực của Việt Nam chúng ta, là một khu vực phát triển năng động nhất thế giới, nhưng xu hướng lại chia đều cho các mảng đầu tư rất hợp lý tương ứng với:
– 22,8% dưới dạng vốn sở hữu (equity)
– 23,1% là tiền mặt hoặc tương đương
– 21,4% là bất động sản (không tính bất động sản đang ở)
– 18,7% là thu nhập cố định (lương, lợi tức…)
– 14,0% là các đầu tư khác
Như vậy, thay vì sốt sình sịch theo các làn sóng bất động sản hay cơn lốc chứng khoán thì chúng ta hãy nên nhìn vào những gì người giàu đang phân bố tài sản của họ để có sự cân đối hợp lý giữa mọi nguồn thu nhập và tài sản. Có thể đây chính là bí quyết của họ giúp họ ngày càng giàu lên và trong khi đó người nghèo thì lại càng nghèo đi do năng lực quản lý của nhóm HNWI luôn ở sự vượt trội và có sự cân bằng rất hợp lý.
Bình luận