Gỗ Ghana đã có tiếng tại Việt Nam và khá được ưa chuộng với 2 dòng gỗ chủ lực là gỗ Gõ đỏ (Doussie) và gỗ Lim (Tali), chính vì vậy trong những thời điểm nhu cầu thị trường nóng với hai mặt hàng này thì các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam đều tích cực tìm kiếm các đối tác tại Ghana để nhập khẩu 2 mặt hàng nói trên. Tuy nhiên, dù nhập khẩu hay hoạt động khai thác gỗ tại Ghana đều không thể tránh được những rủi ro bất ngờ, có thể gây cho doanh nghiệp những cú sốc rất nặng.
Vấn đề của các nhà nhập khẩu: đối tác nào uy tín?
Rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Ghana tại Việt Nam đã, đang và sẽ bị lừa với những đối tác rất thiếu uy tín từ Ghana (chẳng hạn Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc). Các nhà xuất khẩu gỗ từ Ghana có Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và người bản địa thì Trung Quốc gần như đã chuyển sang chỉ xuất khẩu gỗ Hương (Kosso) về nước họ, Việt Nam như công ty chúng tôi thì đều đã ký độc quyền và không mở thêm bất kỳ đối tác nào khác, do đó nguồn gỗ các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập từ các công ty Ấn Độ và người Ghana bản địa.
Người Ấn Độ có uy tín tốt hơn người Ghana bản địa, nhưng không có nghĩa là họ không lừa đảo. Cuối tháng 9/2015 tôi đã biết việc 1 công ty Ấn Độ là Aditya Impex có trụ sở tại Dehli xuất về Việt Nam một công gõ đỏ hoàn toàn rỗng, chưa kể một số công gõ/hương có sử dụng Photoshop để chỉnh sửa hình ảnh. Công rỗng đã về Việt Nam và có lẽ khách hàng đang phải khiếu kiện lại với bên phía Ấn Độ, trong khi đó bản thân doanh nhân người Ấn Độ thì bị “đối tác” Ghana lừa ~25 nghìn USD, nên chưa biết bao giờ sự việc sẽ xong. Công ty Ấn Độ đều không muốn làm sai, nhưng trong quá trình làm việc tại Ghana tôi biết rằng họ cũng là nạn nhân bị lừa, và sau đó họ cũng sẽ biến khách hàng của họ thành nạn nhân chứ cũng không chịu hết 100% trách nhiệm.
Còn làm việc với người Ghana thì sao? Rất nhiều bài viết tôi đã viết về văn hóa của người Ghana ở đây và điều chắc chắn là bạn không thể làm lâu dài với người Ghana mà không bị trục trặc, vấn đề là trục trặc đó nhỏ hay lớn mà thôi. Chẳng hạn:
– Được một vài lô đầu tốt đẹp, rẻ, sau đó yêu cầu phải chuyển nhiều tiền và rồi biến mất.
– Yêu cầu đặt cọc nhiều để đóng hàng số lượng lớn, sau đó không làm, không cung cấp, không giải quyết hoặc chiếm dụng vốn để làm việc khác.
– Hàng hóa không đúng với ảnh (Photoshop hoặc dính gỗ tạp).
– Đóng công không đảm bảo chất lượng, khách hàng thiệt tấn, thiệt khối.
– Không giải quyết sự cố sau bán hàng.
– Không đảm bảo thời gian giao hàng
– Bán cho đối tác khác nếu khách hàng quyết định mua không nhanh chóng (trường hợp hàng hot)
Vấn đề khai thác kinh doanh gỗ tại Ghana: Rủi ro thường trực
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang Ghana, đặt vấn đề với chúng tôi về việc giúp đỡ thực hiện việc khai thác, thương mại, giám sát, thông quan… mặt hàng gỗ giúp họ. Chúng tôi cũng có giúp đỡ, hỗ trợ trên một số khía cạnh, nhưng việc khai thác, thương mại gỗ ngay tại Ghana thì còn nhiều rủi ro hơn cả việc mua nhập khẩu. Chúng tôi đã gặp và biết không dưới cả chục doanh nghiệp (Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc…) bị lừa mất tiền, mất hàng và gặp rất nhiều rắc rối tại Ghana khi cố gắng tham gia thị trường kinh doanh gỗ. Xin nêu ra một số trường hợp mất tiền điển hình:
Mất tiền đặt cọc: Khách hàng thường sẽ được “đối tác” Ghana dẫn lên rừng xem các bãi gỗ, vùng khai thác gỗ hoành tráng và sau đó yêu cầu đặt cọc để họ lo các thủ tục bốc gỗ, vận tải, thuế… mang về cảng. 90% các trường hợp đặt cọc sẽ bị mất tiền.
Các sự cố trên đường: Có doanh nghiệp Việt Nam cẩn thận cử người lên tận rừng, theo xe để áp tải gỗ về, nhưng sẽ tiếp tục vướng các thủ tục: đối tác không có giấy phép vận tải và thuế, bị cảnh sát/kiểm lâm chặn xe dọc đường, không có hợp đồng khai thác gỗ, tạm ứng các loại tiền vận tải/xe cẩu…. Mỗi một khâu có sự cố đều dẫn tới chậm hàng, đội chi phí và các rắc rối khác phát sinh. Hãy thử tính nếu như chỉ mua được 1 xe gỗ (1 công hàng) trong 1 tuần thì 1 tháng đóng được bao nhiêu công để bù chi phí bỏ ra?
Ngồi đợi hàng và bị bán cho người khác: Việc ngồi chờ đợi để mua hàng tại các thành phố lớn cũng có thể thực hiện được, bạn có thể nhận được ảnh gỗ bốc lên xe, số lượng, thời gian dự kiến về và có thể cần gửi “một ít tiền” để làm “lộ phí” để chắc chắn là bạn sẽ mua và sau một vài hôm bạn sẽ thấy xe đó đã được bán cho một bên khác, trong khi đó chủ gỗ thì không thấy đâu. Tiền có thể mất một ít, nhưng thời gian là vàng bạc, kinh doanh nếu chỉ ngồi chờ đợi thì sẽ rất mệt mỏi và áp lực.
Lái xe tải có thể rút ruột công gỗ của bạn: Khi bạn giao công gỗ bạn đóng xong cho lái xe chở về cảng, đây cũng là giai đoạn nguy hiểm khi mà lái xe tải có thể mang công tới 1 bãi nào đó và bán cho những kẻ mua hàng ăn cắp. Chúng sẽ thuê cẩu kéo hết gỗ của bạn ra và đưa công rỗng vào nhập cảng như bình thường. Trường hợp này bây giờ ngày càng phổ biến và nếu như không có phương án đề phòng thì chỉ 1 chút sơ sẩy bạn sẽ mất toàn bộ gỗ trong công hàng.
Shipper/Chủ gỗ có thể bán Bill của bạn: Sau khi đóng công, giấy tờ công hàng phải giao cho một Agent là shipper để xuất khẩu công gỗ đó, bạn có thể nhận Bill Draft đầy đủ nhưng rồi sau 1 vài hôm Bill đó đã được bán cho 1 công ty khác. Bạn không có tư cách pháp nhân tại Ghana thì lấy gì kiện họ?
Hàng của bạn tại cảng có thể bị người khác ship mất: Nghe vậy chắc không ai tin, nhưng tất cả các hãng tàu đều bị sự cố sơ hở về việc chuyển nhượng giấy tờ cũng như bị đánh lừa bởi bản Interchange phụ, do đó hàng của bạn “đang ship” có khi Bill đã trong tay ai đó ở Việt Nam.
Thanh tra, kiểm tra hàng tại cảng: Chỉ cần một lệnh thanh tra toàn diện bến bãi, hãng tàu và hàng hóa tại cảng là hàng của bạn sẽ bị giữ vô thời hạn, không có cách giải quyết nếu không có quan hệ mạnh (cho dù bạn có đầy đủ giấy tờ hợp lệ)
Kết luận
Tôi đã biết/nghe nhiều các trường hợp công ty Việt Nam bị lừa: lừa khi mua qua mạng có, lừa khi sang tận Ghana làm cũng có, vì vậy lời khuyên chân thành nhất là các công ty phải luôn cẩn thận với các “chiêu bài” của các doanh nghiệp/cá nhân tại Ghana. Nếu muốn tiến đánh thị trường kinh doanh gỗ tại Ghana thì hãy chấp nhận xác suất thất bại lên tới 90% để biết giữ mình.
Hoàng says
I need wood business partner in ghana for prestige and trust, please contact me [email protected]