Hội thảo Bông Châu Phi được hiệp hội Bông Sợi Việt Nam tổ chức ngày 12 tháng 11 năm 2015 vừa qua đã thu hút được đông đảo các nhà nhập khẩu bông, kéo sợi của Việt Nam và một số nhà sản xuất bông ở Tây và Trung Phi tới tham dự. Đây là buổi hội thảo nhằm giúp cho các nhà xuất khẩu Bông Châu Phi và nhà nhập khẩu Bông Việt Nam có cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình giúp cho giao thương giữa hai bên tiến triển tốt đẹp hơn.
Xuyên suốt buổi hội thảo, ngoài những lời giới thiệu chào mừng giữa hai bên thì điều tôi quan tâm hơn cả là có những vấn đề (problems) gì giữa giao thương hai bên hay không? Và những sự cố gì thường hay xảy ra khiến khách hàng không vừa lòng, đây là điểm cốt lõi để giải quyết và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng.
Dưới đây là một số vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá về Bông Châu Phi:
Điểm mạnh:
- Chất lượng được cải thiện hơn so với trước rất nhiều, một số lô bông từ Châu Phi còn sạch hơn từ Brazil
- Micronaire đều, chiều dài ổn định, trắng
- Giá thành cạnh tranh hơn so với các khu vực khác
Điểm yếu:
- Xơ ngoại lai, tạp chất rất khó xử lý. Việc kiểm soát xơ ngoại lai giữa các lô hàng, giữa các năm khó đoán biết do không ổn định, kể cả cùng nhà máy nhưng các lô bông có xơ ngoại lai cũng khác nhau.
- Tình trạng cotton grade (chất lượng bông) không đều giữa các hợp đồng, không có phân cấp rõ ràng, không có cam kết trong hợp đồng nên rất khó giải quyết về việc đền bù
- Một số traders gửi không đúng hàng theo hợp đồng, shipper khác nhau thì chất lượng bông cũng khác nhau dù là cùng một hợp đồng.
- Vì sao Việt Nam không có cơ hội mua trực tiếp Bông từ Châu Phi mà vẫn phải qua trader, broker???
Một số suy nghĩ của tôi về giải pháp cho các câu chất vấn nói trên
Xơ ngoại lai và cotton grade:
Yếu tố về chất lượng đối với mặt hàng bông Châu Phi phụ thuộc rất nhiều vào nhà máy tách bông cũng như người nông dân thu hoạch bông. Với việc thu hoạch bằng tay và chất lượng bông chịu tác động trực tiếp từ thời tiết, phương tiện vận tải, quy trình tại nhà máy v.v… thì có lẽ việc xử lý xơ ngoại lai là ngoài tầm kiểm soát của các trader quốc tế. Điểm cơ bản là nếu Chính phủ hoặc các nhà máy không có đầu tư để nâng cao chất lượng quy trình thì việc chúng ta hi vọng những lô bông có chất lượng cao là không khả thi, yếu tố này phụ thuộc nhiều vào vấn đề nội bộ.
Nếu các công ty Việt Nam muốn mua bông có chất lượng tốt hơn thì phụ thuộc vào việc các nhà xuất khẩu sở hữu bông “phân phối” cho chúng ta như thế nào vì cách thức làm bông tại Châu Phi rất khác so với các mô hình khác trên thế giới. Điều này lại càng khó hơn khi các chủ sở hữu bông có nguồn hàng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng bông đầu vào của hợp tác xã và vùng sản xuất, do đó đôi khi vì mục tiêu lợi nhuận họ có thể bỏ qua quyền lợi của khách hàng.
Vấn đề hợp đồng và cam kết chất lượng:
Các trader quốc tế có vốn và uy tín để có thể mua bông với số lượng lớn thông qua hợp đồng bao tiêu, nhưng họ không phải là người trực tiếp kiểm soát vấn đề chất lượng từng lô mà vẫn phó mặc cho các nhà máy. Tình trạng shipper khác nhau thì chất lượng khác nhau là điều bình thường, thậm chí các trader mua của nhiều nhà máy khác nhau để ghép cho đủ lô hàng cũng không hiếm. Trader lớn thì mua được lô lớn, nhưng những thương lái nhỏ cũng mua được lô nhỏ và nếu họ biết luồn lách quan hệ thì họ luôn mua được những lô bông tốt hơn trên tay của các trader lớn.
Vì sao Việt Nam không mua được trực tiếp tại Châu Phi
Vì “uy tín”, đây là điều các nhà sản xuất, thương mại Châu Phi không có và không đáng tin cậy. Việc mua bán giao thương với Châu Phi dễ xảy ra tình trạng mất tiền đặt cọc, chậm hàng, hàng chất lượng kém… do người Châu Phi vốn không có thói quen giữ chữ tín tốt trong thương mại.
Tất nhiên các công ty Việt Nam có thể tổ chức nhân lực sang tận nơi thu mua bông và theo tôi ước đoán thì có thể giảm tối thiểu 5-10% chi phí so với việc mua của các trader quốc tế. Tuy nhiên Việt Nam cần phải có nhân lực giỏi, hiểu Châu Phi và cách làm việc với Châu Phi cũng như phải dành một vài năm để có quan hệ để hoạt động tại nước bản địa. Nếu các công ty Việt Nam dám nghĩ, dám đi thì tôi cho rằng chúng ta có nhiều cơ hội tăng được lợi nhuận và chủ động được nguồn hàng.
Bình luận