Nói tới Ghana, có lẽ không nhiều người Việt biết tới đất nước này, có chăng thì họ biết tới đội tuyển bóng đá Ghana nổi tiếng với biệt danh Ngôi Sao Đen (Black Stars), tuyển thủ Michael Essien hay cựu tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan. Nhưng những ai đã từng kinh doanh, hợp tác với người Ghana thì chắc thấm thía rất nhiều “quả đắng” từ phía họ. Với kinh nghiệm nhiều năm xây dựng doanh nghiệp kinh doanh tại đất nước này, có đôi điều tôi muốn chia sẻ để trước khi các bạn muốn làm ăn tại Ghana hay với người Ghana thì phải hiểu họ cặn kẽ thay vì nhanh chóng tin tưởng “bán cái” cho họ.
Điểm mạnh
Sức khỏe
Người Ghana có nền tảng sức khỏe cực kỳ tốt, sức bền và sự dẻo dai của họ không chỉ nhờ bộ gien khỏe mạnh mà còn do thói quen lao động mang vác từ bé hoặc nhảy nhót mỗi sáng Chủ Nhật tại nhà thờ mà nên. Ngoài ra đa số họ không có thói quen xấu gây tàn phá sức khỏe như hút thuốc, uống rượu và sinh hoạt vô tổ chức nên họ có sức đề kháng rất tốt.
Nếu sử dụng người Ghana vào những công việc nặng nhọc, mang vác, xây dựng hoặc giao cho họ những chuyến đi vào rừng, lên núi dài ngày… thì họ cũng đều vượt qua dễ dàng. Họ có thể làm việc dưới cái nắng gắt của mùa khô Tây Phi liên tục cả ngày không cần đội mũ nón gì là việc bình thường. Người Việt Nam sang Châu Phi thường dễ dàng bị căn bệnh sốt rét quật ngã phải đưa đi bệnh viện truyền thuốc, nhưng với người Ghana thì họ chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày và uống một vài viên thuốc rẻ tiền là đã có thể làm việc bình thường.
Sự vô tư, không để bụng, không xấu hổ
Một điểm đáng quý của người Ghana là họ không để bụng cho dù bạn có mắng chửi, sỉ nhục họ thì sau một thời gian họ cũng sẽ quên và trở lại bình thường. Điều này cũng đúng ở chiều ngược lại (hehe) khi mà họ gây ra những sai lầm, thậm chí lừa đảo bạn, nhưng vẫn có thể “trơ tráo” đến gặp và bắt tay như một người quen biết lâu ngày mới gặp lại. Đôi khi chúng ta cho rằng đó là một dạng “không biết xấu hổ”, nhưng tôi thì biết rằng đó là bản chất đơn giản của họ, rằng một câu xin lỗi có thể xóa hết mọi thù hằn và đa số thực ra họ cũng quên béng việc họ đã làm điều sai đối với bạn.
“Tính chuyên môn”
Không biết đây có phải là điểm mạnh không, nhưng tôi cho rằng họ có cái gì đó giống các nước phương Tây khi mà trong công việc họ thích chọn 1 công việc và đi theo nó suốt đời. Họ không mấy khi nhàm chán với công việc họ chọn, thậm chí nếu bạn cố đào tạo họ sang một công việc khác ít nhiều không có liên quan thì đó là một cực hình cho họ và cho cả chính bạn. Chính vì “tính chuyên môn” này mà việc tuyển dụng người Ghana chúng ta phải lưu ý kỹ để tránh lãng phí thời gian đào tạo hoặc dính phải người “không phù hợp”.
Ngược lại thì người Việt chúng ta lại rất đa năng, khi sang xứ người luôn biết xoay trở để đạt được mục tiêu công việc, nhưng lại rất chóng chán. Nếu bạn đào tạo được 1 đội ngũ nhân viên Ghana có tính chuyên môn tốt, bạn có thể yên tâm là họ không nhảy nhót linh tinh sang những công việc khác mà sẽ rất chuyên tâm vào đúng công việc của họ.
Xếp hàng và nhường đường, không vội vàng
Đây là điều Ghana hơn đứt Việt Nam khi họ luôn biết kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi và đi lại trên đường rất biết nhường nhau để đi. Giao tiếp và làm việc với người Ghana bạn sẽ thấy rằng họ không mấy khi vội vàng, đôi khi thủng thẳng. Đâu đó trên đường bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các thanh niên tự động tham gia điều khiển giao thông mà không hề có cảnh sát, tất nhiên khi họ làm họ cũng ngửa tay xin tiền, nhưng cho hay không là quyền của bạn. Ngoài ra có những quy tắc trong cộng đồng được họ tôn trọng hơn cả các vấn đề Pháp luật bởi Ghana vẫn có tính chất bộ lạc ở rất nhiều vùng trên đất nước.
Mộ đạo và các tôn giáo hòa thuận
Tôn giáo được người Ghana lựa chọn là Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo, đây là hai tôn giáo chính của đất nước và đều được người dân tin tưởng, coi đó là kim chỉ nam cho cuộc sống của họ. Nhưng khác với nhiều quốc gia khác vốn luôn có sự mâu thuẫn, xung đột thì ở Ghana hai tôn giáo này rất hòa thuận, không mấy khi chúng ta thấy họ xung khắc hay đem tôn giáo ra nhục mạ nhau. Đây cũng là điều giúp cho phần lớn người Ghana được cho là hiền lành, mộ đạo và giữ được hòa bình cho đất nước.
Tin tưởng và tôn trọng người nước ngoài
Đây là điều bạn sẽ thấy thoải mái khi tới Ghana bởi người dân rất thân thiện và tin tưởng người nước ngoài, nhưng họ lại không tin chính dân họ. Chính vì là người nước ngoài, nên nếu như biết cách làm và khéo léo trong các khâu đàm phán, bạn sẽ luôn chiếm lợi thế tốt và tạo được sự tin cậy từ phía đối tác Ghana. Nếu có khó khăn gì trên đường, người Ghana cũng sẽ nhiệt tình chỉ dẫn cho bạn. Nếu bạn lập công ty, người Ghana cũng sẽ chọn làm việc cho bạn, cho dù đôi khi chúng ta còn trả thấp hơn người bản địa trả.
Điểm yếu
Nói giỏi nhưng chẳng làm gì
Ưu điểm lớn nhất của người Ghana là nói rất giỏi nhưng kèm với nhược điểm là chẳng làm được việc gì đúng với họ nói. Đặc biệt trong kinh doanh, thương mại, hợp tác… nếu như chúng ta nghe Ghana nổ, chém gió thì có lẽ một viễn cảnh sáng ngời luôn hiển hiện trước mắt, nhưng để rồi sau đó thì vỡ mộng. Những đối tác, khách hàng hoặc những công ty Việt Nam sang Ghana đều luôn được chúng tôi nhắc nhở là chỉ tin Ghana được cùng lắm 10% những gì họ nói, nhưng đa số người Việt đều bị ăn quả đắng khi quá tin vào tài diễn thuyết của “đối tác” Ghana mà bỏ ngoài tai lời cảnh báo của chúng tôi. Hậu quả nhẹ thì mất công, mất thời gian, mất việc, nặng thì thiệt hại kinh tế, tranh chấp, mất uy tín… Đây là điều mọi người hãy nhớ nằm lòng khi sang và làm việc tại Ghana.
Không giữ chữ tín
Đặc điểm này ít nhiều có điểm chung với đặc điểm trước đó, nhưng chữ tín ở đây là thái độ và trách nhiệm đối với mọi vấn đề. Người Ghana thường xuyên trễ hẹn, ví dụ nếu họ nói “I’m coming” thì cứ xác định sẽ gặp nhau sau 2 tiếng đồng hồ, đôi khi là tha hồ ngồi đợi đến… 3 tuần sau mới gặp. Nghiêm trọng hơn là thói vô trách nhiệm trong công việc khiến cho ông chủ hoặc đối tác thất thoát rất lớn, và nếu như có sai sót gì xảy ra, đừng bao giờ bạn hi vọng họ đền bù cho bạn, hãy chấp nhận việc sa thải (nếu là nhân viên) hoặc chấm dứt hợp tác (nếu là đối tác). Từ đặc điểm này, tôi luôn khuyên các bạn “đừng bao giờ đặt niềm tin” vào người Ghana, hãy cố gắng kiểm soát tất cả các quy trình, vấn đề và nếu phải giao cho người Ghana làm thì hãy mô tả thật chi tiết và luôn giám sát họ chặt chẽ.
Nếu bạn đưa tiền cho người Ghana vay hoặc để họ làm 1 việc gì đó, tới hơn 90% bạn có nguy cơ mất số tiền đó bởi người Ghana cực kỳ vô trách nhiệm với tiền của người khác. Thậm chí sau khi đã tiêu hoặc đã đánh mất số tiền đó họ vẫn “nhơn nhơn” xuất hiện trước mặt bạn. Bạn cứ gọi cảnh sát rồi thưa kiện thoải mái, vì bạn có đủ thời gian và sự kiên nhẫn để theo đuổi vụ kiện kèo dài 2 năm không?
Tư duy và tầm nhìn ngắn hạn
Tôi chưa bao giờ gặp hay hợp tác được với bất kỳ một người Ghana nào có tầm nhìn dài hạn được trên 1 năm, tất cả chỉ là những tư duy ngắn hạn, “đếm cua trong lỗ” hay vẽ ra những viễn cảnh sáng ngời nhưng chẳng làm gì. Tất cả họ chỉ luôn hướng tới 1 thứ, đó là nhanh nhanh có tiền và hoàn vốn, sau đó sắm ô tô đẹp, điện thoại sang và đánh bóng tên tuổi trước mặt mọi người. Đây chính là lý do vì sao cộng đồng Ả rập lại trở thành ông chủ tại ngay đất nước Ghana này, bởi vì họ luôn có tầm nhìn dài hạn và xác định mục tiêu cũng như hành động rõ ràng. Người Ghana nếu như giàu có thì đa số là có lợi thế nhất định từ trước, ví dụ quan chức tham nhũng, gia đình giàu có từ xa xưa, đất đai tổ tiên để lại, có vai vế trong bộ tộc giàu có… Nhưng khi mà thế giới ngày càng phát triển thì kỹ năng quản trị và tầm nhìn của người Ghana tụt hậu quá xa, việc thị trường bị thâu tóm và mô hình kinh doanh lỗi thời là không thể tránh khỏi. Những nhân tài Ghana được đào tạo ở nước ngoài thì đều định cư và không có ý định trở về, nhưng khi họ trở về thì họ lại dễ dàng “nhiễm” thói quen trong nước và trở lại “bản chất dân tộc” vốn có.
Nếu bạn thuê nhân viên Ghana, có lẽ nói về tầm nhìn dài hạn của công ty, về kế hoạch phát triển… là thừa thãi, vì họ chỉ quan tâm tháng này họ có nhận đủ lương không, có được thưởng không và làm thế nào để có thêm tiền từ công việc. Chấm hết.
Văn hóa ăn xin và thói ăn cắp vặt
Văn hóa ăn xin là điều thường xuyên gặp tại Ghana này, cho dù từ ông chủ hoành tráng cho tới những kẻ nghèo hèn bần cùng ngoài đường. Đối với người Ghana, bạn cho họ bao nhiêu họ cũng nhận và đây là điểm “không biết xấu hổ” phát huy rõ nét nhất. Tôi đã từng làm việc với đối tác đi xe Toyota Highlander hoành tráng, nhưng luôn luôn không bao giờ thanh toán tiền chai nước 1 cedi (khoảng 0.25 USD – 5000 VNĐ) mà lờ đi để đối tác trả, còn tất nhiên nếu có ăn uống gì khác họ cũng không bao giờ trả rồi. Không lạ lẫm gì khi bạn sẽ gặp nhiều thanh niên trẻ khỏe dắt theo 1 ông/bà già đi trên đường để ăn xin, và ngày này qua ngày khác luôn thấy họ ăn xin như vậy.
Về thói ăn cắp vặt thì đây là thói xấu phổ biến của người Ghana, nhất là nếu như trong công việc có nhiều sơ hở thì họ sẽ nhanh chóng có cách ăn cắp những thứ vặt vãnh (hoặc tiền) để kiếm thêm thu nhập, thông dụng gọi là “they chop money” (họ ăn tiền). Nếu như người chủ không biết chấn chỉnh thói quen ăn cắp vặt thì trong công ty bạn sẽ có nguyên 1 đàn sâu đục khoét và không sớm thì muộn sẽ lao đao vì tệ nạn này.
Văn hóa ăn xin và thói quen ăn cắp này hiện nay đã ngày càng nặng nề đối với bộ phận quan chức, thậm chí còn trơ trẽn hơn cả Việt Nam khi gần như mọi thứ có thể hối lộ, đút lót được bằng tiền. Nếu bạn có việc cần sự giúp đỡ của các quan chức Ghana, vẫn có những người tốt sẵn sàng giúp đỡ bạn nhiệt tình, nhưng nhớ là sau đó nên có quà cho họ, họ sẽ nhận vui vẻ mà không bao giờ từ chối.
Lười suy nghĩ kéo theo lười lao động
Đôi khi hơi quá, nhưng dùng từ “ngu” là hoàn toàn chính xác với một bộ phận lớn dân Ghana, thậm chí có những việc tưởng chừng đơn giản mà dạy đi dạy lại họ cũng không hiểu, không biết làm. Không chỉ vậy, nếu dạy họ 1 lần, họ làm đúng, mọi thứ sau đó không ok như những gì bạn tưởng tượng vì rồi lại…quên, hoặc lại sai. Từ chuyện lười vận động đầu óc này sẽ nhanh chóng dẫn tới lười lao động, bởi vì họ ngồi chờ đợi việc, rằng ai đó sẽ gọi họ, là Chúa sẽ ban phát công việc cho họ… Mọi thứ khi làm với người Ghana luôn phải có quy trình đào tạo khắt khe, đôi khi hơi giống kiểu quân phiệt mới bảo đảm được sự hiệu quả. Tốt nhất đừng để họ suy nghĩ mà hãy ép họ làm theo suy nghĩ của bạn.
Kết luận
Tôi cũng không chắc 100% tôi hiểu hết về con người Ghana, nhưng do công việc kinh doanh tiếp xúc hàng ngày nên ít nhiều tôi hiểu được họ trên một vài khía cạnh. Hi vọng những hiểu biết trên ít nhiều giúp ích cho các doanh nghiệp muốn tìm hiểu thị trường Ghana và hợp tác với các đối tác người Ghana.
Hươu cao cổ chân dài says
Tuy không biết bài viết này là của ai, tên gì, nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, thân thế ra sao nhưng mà em cực kỳ rất thích bài viết này. Mình kết bạn được không vậy? Thiện Nguyễn (Cần Thơ): 01206421205/ 01267918564
David says
Cảm ơn tác giả về bài viết
Tôi đang coa kế hoạch sang Ghana gặp đối tác nên cungz cần nghiên cứu thêm về họ.
Vui lòng làm quen và email tới [email protected]
Xin cảm ơn
David