Phong thái trẻ trung với nụ cười thường trực trên môi, Sara Blakely là tấm gương tiêu biểu cho những người phụ nữ thành đạt. Điểm đặc biệt của cô đó là cô hoàn toàn gây dựng sự nghiệp của mình từ hai bàn tay trắng chỉ với một ý tưởng thú vị và sự đam mê theo đuổi ý tưởng đó. Đến nay cô đã trở thành nữ tỷ phú tự thân thành công bậc nhất thế giới với một công ty thời trang vẫn đang không ngừng phát triển.
Sinh năm 1971 tại Florida, Sara là con của một luật sư và một nghệ sĩ, sự thành công của cô có lẽ phần nào đó nhờ tố chất của cha và mẹ ban tặng, bởi cô vừa có khiếu hài hước vui nhộn đồng thời có khả năng bán hàng và thuyết phục rất hiệu quả.
Sau khi tốt nghiệp trường đại học Bang Florida với tấm bằng cử nhân giao tiếp, mục tiêu thi vào trường Luật của cô bị thất bại bởi cô không vượt qua bài kiểm tra đầu vào, điều này khiến cô bắt đầu suy nghĩ lại và chọn một công việc tạm thời tại Walt Disney để có việc làm.
Sau công việc tạm thời ở Walt Disney, Sara được nhận vào làm việc ở một công ty bán máy fax với nhiệm vụ bán hàng trực tiếp tận nơi. Với khả năng giao tiếp tốt của mình, Sara đã rất thành công khi chỉ mới 25 tuổi cô đã lên tới vị trí huấn luyện kỹ năng bán hàng toàn quốc cho các nhân viên mới.
Ý tưởng kinh doanh nảy sinh bắt đầu từ công việc bán hàng của Sara do cô thường xuyên phải mặc chiếc quần tất bó bên trong váy để đi chào hàng trong thời tiết nóng nực của Florida, cô hoàn toàn không thích phải đi một đôi giày hở ngón kết hợp với cái quần bó này bởi nó sẽ khiến cho mọi thứ thật bất tiện. Nhưng trên khía cạnh thẩm mỹ thì một chiếc quần bó sát lại có thể tôn vóc dáng của người phụ nữ trở nên đẹp hơn, điều này lại càng quan trọng đối với một nhân viên bán hàng. Trong một vài buổi tiệc với bạn bè, Sara đã nảy ra ý tưởng cắt cụt 2 ống chân của chiếc quần bó truyền thống và thoải mái đi dự tiệc với mẫu mốt mới do mình sáng tạo. Cô hiểu rằng đây là một ý tưởng thời trang tuyệt vời và nuôi dưỡng quyết tâm để thực hiện ý tưởng này.
Ở tuổi 27, Sara chuyển tới thành phố Atlanta, bang Georgia, cô vẫn tiếp tục công việc bán máy fax, nhưng âm thầm sử dụng 5,000$ tiết kiệm của mình để nghiên cứu và tiếp tục phát triển các ý tưởng về thời trang của mình. Thậm chí để tiết kiệm 3,000$ tiền phí luật sư để đăng ký bản quyền phát minh, cô đã mua sách về tự học để viết bản đăng ký sáng kiến cho chính mình.
Vẫn phải tiếp tục công việc bán máy fax của mình, đồng thời phải dành thời gian để phát triển ý tưởng mới, Sara Blakely làm việc không biết mệt mỏi và cô vượt qua tất cả các khó khăn để đạt được đam mê. Cô phải vượt qua rất nhiều khó khăn về chọn lựa mẫu vải, kiểu dáng, thử nghiệm, đăng ký nhãn hiệu và kể cả cách đóng gói… nhưng cuối cùng khó khăn lớn nhất vẫn là không nhà máy dệt nào chịu chấp nhận ý tưởng của cô. Cô trở về với sự thất vọng tràn trề thì bất ngờ nhận được cú điện thoại của giám đốc nhà máy dệt Highland Mills tại North Carolina, người đồng ý hỗ trợ cô vì 2 cô con gái của ông rất thích mẫu quần mà cô thiết kế. Là một người hài hước, Sara đã chọn thương hiệu “Spanx” cho công ty vì cách phát âm giống với từ “Spanks” (vỗ vào mông) và cô đã bỏ ra 350$ để đăng ký nhãn hiệu này.
Quá trình khởi nghiệp của Sara cũng không ít gian nan bởi cô không có vốn, do vậy cô phải lo tất cả các vấn đề kinh doanh, kể cả vận chuyển, marketing, cách sắp xếp hàng hóa và phân phối tới một số cửa hàng thời trang đồng ý nhận hàng của cô. Bước ngoặt lớn nhất đó là khi cô gửi sản phẩm của mình tới Oprah Winfrey, nữ hoàng truyền hình của Mỹ và được bà đón nhận là “sản phẩm yêu thích”. Điều đó đã giúp cô có bước thành công nhảy vọt với doanh thu 4 triệu USD trong năm đầu tiên và 10 triệu USD vào năm tiếp theo. Năm 2001, Sara Blakely ký hợp đồng với QVC, kênh bán hàng trên truyền hình và bán được 8000 chiếc quần trong vòng 6 phút đầu tiên.
Đến nay, Sara ít phải xuất hiện để quảng bá cho Spanx hơn nhưng công ty vẫn không ngừng phát triển. Hiện cô đã có đội ngũ 125 cộng sự, trong đó có 16 là nam giới. Sản phẩm của hãng đã lên đến con số 200 và xuất hiện tại 11.500 gian hàng, siêu thị cùng các cửa hàng trực tuyến tại 40 quốc gia. Các nhà phân phối đôi khi còn phải chạy đua để được mua hàng.
Năm 2013, Sara mong muốn sẽ thiết kế thành công chiếc giày cao gót tiện dụng nhất thế giới và vẫn đang tiếp tục cho ý tưởng này.
Sự thành công của Sara Blakely đã giúp cô trở thành tỷ phú với giá trị công ty Spanx của cô vừa đúng 1 tỷ đôla. Năm 2014, cô đứng thứ 93 trong top 100 phụ nữ có quyền lực nhất thế giới.
Bài học thành công
– Ý tưởng kinh doanh đôi khi chỉ xuất phát từ những điều tưởng chừng như rất đơn giản, vô lý thậm chí là hơi điên rồ, nhưng điều quan trọng là phải thấy được ý tưởng đó mang lại lợi ích và sự thuận tiện cho khách hàng ra sao. Từ một chiếc quần bó cắt ống mà Sara Blakely đã tạo được đế chế kinh doanh tỷ đô cho riêng mình.
– Hãy theo đuổi đam mê bằng tất cả năng lực và tri thức của mình: Sara không có vốn, không có kinh nghiệm khởi nghiệp, không có sự hỗ trợ từ gia đình nhiều, nhưng đam mê đã tạo động lực cho cô làm việc không biết mệt mỏi, kể cả những việc hoàn toàn không phải sở trường để rồi đạt được thành công rực rỡ.
– Hãy phát huy tối đa tố chất của bản thân: điều dễ thấy ở Sara Blakely là tố chất bán hàng, khiếu hài hước và sự chăm chỉ. Cô đã tận dụng tối đa các thế mạnh này để đạt được thành công với sản phẩm Spanx của mình.
– May mắn là điều bạn luôn cần trên con đường phát triển sự nghiệp, nhưng hãy luôn tự tạo ra may mắn cho mình: Không thể phủ nhận là Sara gặp may mắn với sản phẩm Spanx của cô bởi nếu không có ông giám đốc nhà máy dệt Highland Mills đồng ý hỗ trợ sản xuất, hay không có Oprah Winfrey “quảng bá” giúp sản phẩm thì có lẽ Sara còn phải gặp nhiều gian nan hơn nữa để đạt được thành công. Nhưng điểm quan trọng nhất là cô có một ý tưởng tuyệt vời, tạo ra một sản phẩm tuyệt vời và điều đó đã thuyết phục được 2 cô con gái của ông giám đốc nhà máy dệt cũng như Oprah Winfrey ủng hộ ý tưởng của cô. Cô đã tạo ra may mắn cho chính bản thân cô.
Bình luận