“Tâm lý đám đông” nhằm để chỉ trạng thái chịu ảnh hưởng tác động của đám đông tới hành vi nhất định của con người tạo cho họ định hướng thực hiện theo hoặc có xu hướng đồng ý theo đám đông đó. Về mặt xã hội, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh nhất định mà hiệu ứng đám đông có thể tốt hoặc xấu, nhưng trong kinh doanh thì tôi cho rằng đó là yếu tố xấu, là sự cạnh tranh tự kéo nhau đi xuống mà không tạo thêm bất kỳ một giá trị hữu ích nào cho khách hàng. Đây cũng là một đặc tính quen thuộc của người Việt Nam trong kinh doanh và vô hình chung tự hại lẫn nhau thay vì hướng tới sự phát triển.
Có lẽ nên bắt đầu bằng một câu chuyện vui mà có lẽ cũng đã nhiều người biết đến:
Đại sứ Liên hiệp quốc của các nước đang tổ chức một cuộc họp bàn về kinh tế đa phương trên một chiếc du thuyền thì đột ngột xảy ra sự cố, chiếc du thuyền va phải đá ngầm và có dấu hiệu sắp chìm. Vị thuyền trưởng đã bắc loa kêu gọi tất cả các thành viên trên tàu nhanh chóng mặc áo phao cứu sinh để nhảy xuống biển, nhưng chẳng thấy có động tĩnh gì từ đại diện các nước cả. Trong tình thế nguy cấp, ông đề nghị thuyền phó hãy nghĩ cách gì đó để tất cả cùng rời tàu càng sớm càng tốt.
Vị thuyền phó đi một lát rồi trở lại báo cáo rằng tất cả các đại sứ đã nhảy xuống biển. Vị thuyền trưởng hết sức ngạc nhiên liền hỏi: “anh làm cách nào mà yêu cầu được các vị quan chức đáng kính đó chịu ôm phao nhảy xuống biển vậy?”. Vị thuyền phó trả lời vui vẻ:
- Tôi nói với vị đại sứ nước Anh rằng: “Nhảy cầu là môn thể thao tốt cho sức khỏe”
- Tôi nói với đại sứ nước Ý rằng: “Không làm như thế là một điều cấm kỵ”
- Tôi nói với người Pháp rằng: “Đây là một việc rất thời thượng”
- Tôi nói với người Đức rằng: “Đây là mệnh lệnh của cấp trên”
- Tôi nói với người Mỹ rằng: “Tôi đã mua bảo hiểm cho ông rồi”
- Tôi nói với người Trung Quốc rằng: “Ông sẽ được lưu danh sử sách”
- Tôi nói với người Nga rằng: “Đây là một cuộc cách mạng”
- Tôi nói với người Việt Nam rằng: “Tất cả đại sứ các nước khác đã đều nhảy xuống biển”
Câu chuyện vui này tuy có hơi thổi phồng một chút nhưng lại phản ánh rất đúng văn hóa của các nước, nhất là yếu tố “tâm lý đám đông” của chúng ta.
Vậy trong kinh doanh thì sao?
Cho tới hiện tại Việt Nam chúng ta vẫn chưa có được thành tựu nào có tiếng vang. Gạo ư? Nhà nhà làm gạo, công ty nào cũng có thể làm gạo, xuất khẩu gạo số 1 thế giới, nhưng giá trị của hạt gạo được bao nhiêu khi mà chúng ta đua nhau làm gạo và cố gắng hạ giá xuống với những loại gạo chất lượng kém. Một giám đốc công ty xuất khẩu gạo đã than thở với tôi rằng: ở Việt Nam ai cũng có thể tạo được giống gạo cho mình bằng cách đặt 1 viện nghiên cứu nông nghiệp “sản xuất” cho 1 giống lúa với cái tên riêng nào đó. Nhưng bản chất là một sản phẩm kém chất lượng.
Nền kinh tế còn có những gì? Nhân công giá rẻ? Chỉ là tranh giành gia công cho các nước lớn, hạ giá thật thấp để tranh giành hợp đồng và cuối cùng chỉ có các nước lớn được lợi. Kinh doanh sản xuất trong nước đã khó ngày càng khó hơn bởi nếu 1 sản phẩm thành công thì ngay lập tức sẽ có sản phẩm khác giá rẻ ra đời để cạnh tranh.
Rau, thịt, cá, thực phẩm… đều được phun hóa chất kích thích, uống tăng trọng để tạo năng suất cao hơn và 1 nhà làm thì cả làng cùng làm để cùng có lợi. Thương mại quốc tế thì sẵn sàng bỏ qua các công ty thương mại trung gian, người đã mang đến khách hàng để tìm cách liên hệ thẳng khách hàng nhằm ăn lời thêm một vài phần trăm hoa hồng.
Bản thân kinh doanh tại Châu Phi cũng tương tự. Người Việt đi đến đâu không tự nghĩ một con đường riêng cho mình, mà việc đầu tiên là bắt chước người khác để làm giống hệt, trực diện cạnh tranh để tranh cướp khách hàng với lý luận: “họ có ăn thì mình cũng có ăn” hoặc “thị trường rất lớn, mình làm không ảnh hưởng đến ai cả”. Một điều cơ bản là những người đi trước họ luôn có những lợi thế “cánh chim đầu đàn” và tất nhiên họ sẽ không bỏ qua cho đối thủ đe dọa công việc kinh doanh của họ, cuộc cạnh tranh về giá tất nhiên sẽ không dừng lại và cuối cùng không có ai có lợi.
Châu Phi là một thị trường rộng lớn với vô vàn ý tưởng kinh doanh có thể triển khai thành công, nhưng vấn đề là không ai chịu nghĩ mà chỉ muốn dành rủi ro cho những người đi đầu gánh chịu, sau đó sẽ tìm cách bắt chước để cạnh tranh. Bản thân việc copy mô hình kinh doanh của người khác chắc chắn không tạo được lợi ích gì cho khách hàng mà ngược lại khiến thị phần bị chia sẻ và cuộc chiến về giá chắc chắn leo thang.
Tôi không vơ đũa cả nắm rằng tất cả các doanh nghiệp Việt đều như vậy, đâu đó vẫn có các công ty sáng tạo và phát triển bằng các ý tưởng khác biệt, nhưng số đó có lẽ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều mong mỏi của tôi là chúng ta hãy nghĩ khác đi, nghĩ lớn hơn và dám làm dám chịu thay vì chạy theo tâm lý bầy đàn. Chính sự khác biệt mới tạo nên thành công của các nước lớn, của các tỷ phú, triệu phú bây giờ, và nếu Việt Nam vẫn giữ mãi “tâm lý đám đông” thì có lẽ chúng ta sẽ không thể phát triển được cho dù trong hay ngoài nước.
Bình luận