Jack Ma, nhà sáng lập website thương mại điện tử Alibaba, một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đã có một bài nói chuyện hết sức thú vị tại diễn đàn kinh tế Davos 2015. Cuộc nói chuyện này của ông là cuộc nói chuyện thứ 2 sau lần đầu tiên vào năm 2008, nó đã đem lại rất nhiều bài học sâu sắc về con đường khởi nghiệp, về thành công và thất bại, về cách đón nhận cũng như những điều mà mọi người nghĩ về ông là “ngu ngốc” trong sự nghiệp của mình.
Dưới đây là một số điều thú vị rút ra từ cuộc nói chuyện của Jack Ma:
Ông là người đã từng “thường xuyên thất bại”
- Ông trượt đại học 3 lần.
- Ông trượt 2 kỳ thi quan trọng của tiểu học.
- Ông trượt 3 lần khi cố gắng thi vào một trường trung học tốt tại thành phố Hàng Châu quê hương ông.
- Sau khi tốt nghiệp đại học ông đã nộp hồ sơ xin việc và bị từ chối tới 30 lần: ông nộp hồ sơ vào ngành Công An thì 4/5 trúng tuyển còn ông bị từ chối, nộp hồ sơ vào làm ở KFC thì có 23/24 người trúng tuyển duy nhất ông bị loại.
- Ông bị đại học Havard từ chối 10 lần.
- Ông bị từ chối rất nhiều lần khi tiếp cận các quỹ đầu tư để gây vốn cho Alibaba.
Nhưng Jack Ma lại vui vẻ với những thất bại này, ông cho rằng việc bị từ chối hoặc thất bại là điều bạn phải chấp nhận.
Jack Ma học tiếng Anh qua công việc làm du lịch
Bản thân ông cũng không hiểu vì sao ông lại thích tiếng Anh và trong thời đại của ông việc học tiếng Anh tại Trung Quốc không hề dễ dàng gì. Ông đã học qua công việc làm hướng dẫn viên du lịch của mình, đồng thời cái tên tiếng Anh (Jack) của ông là do một người phụ nữ nước ngoài đặt cho ông. Bà ta nói rằng: bố của bà tên Jack, chồng của bà cũng tên Jack, ông nghĩ thế nào về cái tên Jack và ông đã vui vẻ chọn cái tên này.
Jack Ma tiếp xúc với Internet năm 1995 tại Mỹ và đó là nơi tạo cho ông ý tưởng về Alibaba
Ông tiếp xúc với Internet đầu tiên tại thành phố Seattle trong công ty của một người bạn. Lần đầu tiên ông còn chưa biết Internet là gì và thử tìm kiếm một số thông tin về Bia, nhưng chỉ có Bia Mỹ, Bia Đức, Bia Nhật… mà không có Bia Trung Quốc. Tiếp đến ông tìm kiếm về Trung Quốc nhưng không có thông tin gì và lần đầu tiên ông được biết đến email là gì, đây là những điều đầu tiên tạo ấn tượng cho ông và từ đó ông bắt đầu nảy ra những ý tưởng của mình.
Tiếp đó đến cái tên Alibaba: Jack Ma muốn chọn 1 cái tên có tính chất quốc tế để ai ai cũng biết và cái tên Alibaba nảy sinh từ đó. Ông vào quán ăn, hỏi bồi bàn có biết Alibaba không, cô ta biết. Ông xuống phố tiếp tục hỏi hơn 20 người nữa và ai cũng biết Alibaba, ông đã chọn cái tên này đồng thời chữ A cũng là chữ đầu tiên trên bảng chữ cái giúp mọi người dễ tìm ra ông.
Niềm tin là yếu tố quan trọng trong kinh doanh
Jack Ma luôn khẳng định rằng “niềm tin” là điều quan trọng nhất để xây dựng thành công Alibaba. Trong môi trường Internet và thương mại điện tử, không ai biết ai, việc chuyển tiền và giao hàng chỉ có thể thực hiện được khi có “niềm tin”. Với 16 triệu giao dịch thành công mỗi ngày, Alibaba chỉ có thể thành công là nhờ niềm tin.
Alipay – công cụ thanh toán bị coi là “ngu ngốc” của Jack Ma
Khởi đầu của Alibaba chỉ là trang thông tin thương mại B2B, Jack Ma đã được bạn bè quốc tế khuyến khích nên có một công cụ thanh toán và chỉ có công cụ thanh toán thì giá trị của trang Thương mại điện tử mới được thiết lập. Ông đi gặp Ngân hàng, họ từ chối ông không làm. Bản thân ông gặp nhiều khó khăn bởi nếu ông thiết lập 1 công cụ thanh toán vào lúc bấy giờ sẽ rất có nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật. Rất nhiều người Trung Quốc nói ông là “ngu ngốc” khi cố gắng xây dựng Alipay nhưng bạn bè quốc tế lại khuyến khích ông thực hiện, ông đã quyết tâm xây dựng nó và hiện tại ông có 800 triệu người dùng tại Alipay.
Ông từ chối tiền từ Chính phủ Trung Quốc và ngân hàng
Triết lý của Jack Ma đó là hãy tập trung kinh doanh trên thị trường, kiếm tiền từ khách hàng bằng cách làm cho họ thành công. Công ty nào nhận tiền hoặc tìm cách nhận tiền từ Chính phủ thì là “rác rưởi”. Ông đã từng mong muốn nhận tiền hỗ trợ từ Chính Phủ và các Ngân hàng, nhưng hiện giờ dù họ có đưa tiền ông cũng không nhận.
Jack Ma đã từng có một thời gian làm việc cho 1 tổ chức thuộc Chính phủ Trung Quốc, ông cho rằng mối quan hệ với Chính phủ rất thú vị nhưng “yêu chứ đừng cưới”, hãy giải thích cho họ lợi ích của Internet, làm thế nào để tạo việc làm, hãy thuyết phục họ một cách có trách nhiệm. Nhưng nếu chính phủ muốn ông làm 1 dự án nào đó, ông sẽ từ chối, nhưng ông sẽ giới thiệu bạn bè hỗ trợ hết lòng.
Tiếp xúc nhà đầu tư và bị gọi là “Crazy Jack” (Jack điên)
Jack Ma gây được vốn phát triển Alibaba từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Yahoo với một mô hình “không giống ai”, đó không phải là mô hình Mỹ và không hấp dẫn được nhà đầu tư. Nhưng mô hình theo kiểu Alibaba của Jack Ma lại trở nên thành công bất ngờ tại thị trường đông dân nhất thế giới và khi lần đầu tiên được lên bìa tạp chí Times, người ta đã gọi ông là Jack điên. Nhưng ông rất vui và trả lời hóm hỉnh, “điên rồ” là điều rất tốt, chúng ta điên nhưng không ngu, đơn giản bởi vì nếu ai cũng thấy điều chúng ta làm là tốt thì sẽ không có cơ hội thành công.
Not everything is possible
Jack Ma từng tin tưởng rằng “bất kỳ điều gì cũng có thể” khi còn trẻ, nhưng khi đã thành công thì ông tin rằng “không phải điều gì cũng có thể” (not everything is possible). Có điều ông luôn khuyến khích mọi người là hãy làm điều mình đam mê, nếu không làm thì sẽ chẳng có gì xảy ra, nhưng nếu bạn làm thì ít nhất bạn có hi vọng. Alibaba có số lượng giao dịch đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Walmart, nhưng ông tin rằng ông sẽ vượt qua Walmart bởi để thêm 10 triệu khách hàng thì Walmart phải mở rộng quy mô, kho bãi, siêu thị… nhưng ông chỉ cần thêm 2 servers là đủ. Mục tiêu của ông là tiếp tục lao động, tiếp tục mở rộng để Alibaba có thể trở thành một platform thương mại điện tử toàn cầu với số lượng khách hàng lên tới 2 tỷ người.
Động lực nhờ Forrest Gump và Hollywood
Jack Ma đặc biệt yêu thích bộ phim Forrest Gump và nhân vật chính của bộ phim: “đơn giản và không bao giờ bỏ cuộc”. Ông đã từng gặp rất nhiều khó khăn khi xác định con đường kinh doanh trên Internet của mình cho tới khi xem bộ phim này và nâng cao quyết tâm của mình. Ông luôn nói với đồng nghiệp của mình và khuyến khích giới trẻ hãy quyết tâm lao động để đạt được thành công. Điều chính ông lo lắng cho giới trẻ là giờ đây họ dễ dàng đánh mất hi vọng, thiếu tầm nhìn và thường xuyên phàn nàn (giống Việt Nam). Ông đã từng bị từ chối rất nhiều lần, nhưng nên nhớ rằng thế giới luôn có rất nhiều cơ hội cho bạn. Ông yêu thích Hollywood vì những bộ phim Mỹ đã tạo động lực cho ông, những bộ phim mà nhân vật chính ban đầu thường rất bình thường, mờ nhạt thậm chí là tệ, nhưng sau đó đã trở thành “anh hùng” và đều sống sót. Nhưng Trung Quốc thì “người hùng” thường kết thúc bi thảm và điều đó khiến không ai muốn thành “anh hùng”.
Triết lý Thái Cực (Tai Chi Philosophy)
Đây là một triết lý cổ của Trung Hoa về yếu tố cân bằng và cũng là triết lý được Jack Ma vận dụng trong kinh doanh. Trong triết lý Thái cực, sự vận động chuyển đổi giữa âm dương diễn biến liên tục, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm – trong Động có Tĩnh, trong Tĩnh có Động – trong Yếu có Mạnh, trong Mạnh có Yếu v.v… và điều quan trọng là nó giúp ông luôn cân bằng. Kinh doanh có yếu có mạnh, có thắng có thua, nhưng quan trọng nhất là phải giữ cân bằng cho bản thân.
Jack Ma và phụ nữ
Ông luôn muốn thay đổi thế giới, nhưng ông tự nhận công việc của mình không phải là thay đổi thế giới nên ông nghĩ tới thay đổi chính mình. Ông muốn làm việc để mọi thứ tốt đẹp hơn và ông luôn khuyến khích phát triển phụ nữ. Alibaba có tới hơn 47% phụ nữ làm việc trong công ty và tới hơn 33% nắm giữ các vị trí quan trọng nói chung. “Phụ nữ nghĩ về người khác nhiều hơn nghĩ tới bản thân, đàn ông thì không như vậy” và đó là điều tốt, Jack Ma nhận xét.
Suy nghĩ về sự giàu có
Ông không tự nhận mình là người giàu nhất Trung Quốc, và ông nói “vợ ông đã từng muốn ông trở thành người được tôn trọng hơn là người giàu có” bởi khi đó bản thân 2 vợ chồng ông chưa bao giờ tin rằng mình sẽ giàu. Ông cho rằng: “Nếu bạn có 1 triệu đô la, đó là tiền của bạn. Nếu bạn có 20 triệu đô la, bạn sẽ đau đầu vì nhiều vấn đề: lo lắng về lạm phát, phải đầu tư vào cái gì… Nếu bạn có 1 tỷ đô la, đó không phải là tiền của bạn, đó là niềm tin mà cộng đồng đặt vào bạn vì họ tin bạn có thể quản lý tiền tốt hơn chính phủ và những người khác”, vì lý do đó mà Jack Ma muốn “đầu tư” vào giới trẻ ngay từ bây giờ, ông cũng nghĩ tới một ngày ông là một người thầy giáo để động viên, khuyến khích thế hệ trẻ phát triển.
Bài học thành công
Không có mấy ai bị từ chối tới 30 lần như ông, nhưng Jack Ma nhìn nhận rằng mỗi lần bị từ chối là một lần mình tự nhìn nhận lại bản thân. Hãy tiếp tục chiến đấu và hi vọng, đừng phàn nàn với người khác rồi bỏ cuộc.
Bình luận