Công ty máy ảnh và các sản phẩm phục vụ in ảnh Fujifilm hiện nay đã trở thành một cái tên dẫn đầu về dược phẩm và công nghệ sinh học nhờ tầm nhìn đi trước thời đại của Chủ tịch Shigetaka Komori. Bài học kinh doanh chính là hãy có tầm nhìn xa trông rộng và dám thay đổi để phù hợp với xu hướng của thời đại.
Tomoko Tashiro, một nhà nghiên cứu tại phòng lab của Fujifilm Holdings ở Kanagawa (Nhật), quay trở lại Công ty làm việc sau thời gian nghỉ sanh vào năm 2005 để rồi biết rằng cô đã được phân công một nhiệm vụ khác. Thay vì tiếp tục công việc phát triển các phân tử nhằm ngăn không cho các tấm ảnh in ra bị phai màu thì cô được giao nhiệm vụ phải áp dụng cùng công nghệ này vào da người. “Ban đầu tôi rất lúng túng. Nhưng nhanh chóng sau đó tôi thấy được công việc của chúng tôi đã góp phần đáng kể vào việc gia tăng giá trị cho Công ty”, cô nói.
Chỉ trong vòng 2 năm, Tashiro đã giúp phát triển một dòng sản phẩm được gọi là Astalift, sử dụng cùng kỹ thuật cô đã phát triển khi nghiên cứu các ứng dụng cho ngành phim ảnh (thành phần chính của phim là gelatin, một chất dẫn xuất của collagen trong khi da người có tới 70% collagen). Hiện doanh số bán của nhãn hàng chăm sóc da đã vượt 10 tỉ yen Nhật (tương đương 80,7 triệu USD) hằng năm.
Astalift là một ví dụ cho thấy cách mà Chủ tịch Fujifilm, ông Shigetaka Komori, đã thay đổi định hướng phát triển của Công ty từ mảng phim ảnh truyền thống sang các thị trường công nghệ và khoa học mới, trong đó có thuốc điều trị Ebola, sản phẩm chăm sóc da chống lão hóa và nghiên cứu tế bào gốc.
Trong 10 năm qua, Komori đã đưa Fujifilm bước vào các lĩnh vực mới khi nhu cầu đối với các cuộn phim của Công ty giảm mạnh. Đối thủ trực tiếp Eastman Kodak cũng đối mặt với những thách thức tương tự. Nhưng vì không kịp thích ứng với những thay đổi trên thị trường, công ty này đã phá sản. Trái lại, Fujifilm đã thành công trong công cuộc lột xác doanh nghiệp khi báo cáo mức lợi nhuận kỷ lục 119 tỉ yen trong năm tài chính 2015 kết thúc vào ngày 31.3 năm nay.
Komori đang đưa Fujifilm tiến xa hơn khi bước vào những lĩnh vực xa lạ với kế hoạch bỏ ra hơn 400 tỉ yen vào các thương vụ thâu tóm đến năm 2017, mở rộng thêm các dòng sản phẩm và đẩy mạnh hơn nữa cuộc tiến quân vào mảng chăm sóc sức khỏe. “Tôi không nói rằng chúng tôi đã chiến thắng. Không công ty nào dám tuyên bố điều đó vì mọi thứ đang thay đổi rất nhanh. Chúng tôi cứ tiếp tục tiến lên phía trước mà thôi”, ông nói.
Komori muốn tăng hơn gấp đôi doanh thu mảng chăm sóc sức khỏe của Fujifilm lên mức 1.000 tỉ yen vào năm 2018, tăng từ mức 394 tỉ yen trong năm tài chính 2015, tương đương 16% tổng doanh thu. Ông kỳ vọng một phần của mức tăng trưởng ấy sẽ nhờ vào y học tái tạo, tức là tái tạo các mô hoặc cơ quan bị thương tổn. Hồi tháng 3, Fujifilm đã đồng ý trả 307 triệu USD mua lại Cellular Dynamics International, một nhà sản xuất tế bào gốc đa năng iPS, loại tế bào gốc có khả năng biến đổi thành nhiều tổ chức tế bào, có thể thay thế các cơ quan bị tổn thương trong cơ thể người.
Một bộ phận khác của Fujifilm là Japan Tissue Engineering đã đưa ra thị trường những sản phẩm da và sụn được tái tạo để điều trị cho những nạn nhân bị phỏng và các bệnh nhân khác. Komori đang đặt cược rằng các bộ phận này một ngày nào đó sẽ tạo ra được những tế bào giúp tái tạo những cơ quan trong cơ thể người như gan hoặc tuyến tụy.
“Dù chúng tôi làm trong ngành phim từ lâu nhưng thực tế chúng tôi là một công ty chuyên xử lý các tế bào. Chúng tôi đang tìm kiếm những yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, những lĩnh vực mà Fujifilm có thể giành phần thắng”, ông Yuzo Tada, nhà hóa học mà Komori đã tin tưởng giao cho nhiệm vụ dẫn dắt công cuộc tiến quân của Fujifilm vào lĩnh vực dược phẩm và mỹ phẩm, cho biết.
Cuộc đại phẫu của Komori đã diễn ra cách đây 1 thập niên khi sự trỗi dậy của camera kỹ thuật số và điện thoại thông minh đã bắt đầu làm doanh số bán phim ảnh sa sút. Chứng kiến thời thế thay đổi, Komori đã thúc giục các kỹ sư và nhà điều hành phải có một cái nhìn rõ hơn về việc làm thế nào Công ty đảm bảo được tính chính xác khi sản xuất phim chụp hình; ông cho rằng cùng công nghệ sản xuất đó có thể được sử dụng trên các sản phẩm khác mà cũng yêu cầu phải xử lý chính xác các phân tử.
Fujifilm đã áp dụng cùng công nghệ và chuyên môn này vào trong các lĩnh vực mới như dược phẩm. Năm 2008, Fujifilm đã thâu tóm hãng dược Toyama Chemical, nhà sản xuất thuốc kháng virus được sử dụng ở một số bệnh nhân Ebola tại Tây Phi năm ngoái. Mặc dù cho đến nay, máy in và máy photocopy (được gọi chung là nhóm Giải pháp tài liệu) đã trở thành nguồn thu lớn nhất của Fujifilm, nhưng theo Komori, công nghệ sinh học và dược phẩm mới là những mảng có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai.
Các nhà đầu tư rất hoan nghênh cuộc lột xác này, đẩy giá cổ phiếu tăng tới 66% trong năm vừa qua. “Tôi đánh giá cao nỗ lực của họ trong việc đa dạng hóa nguồn thu bằng việc nhảy vào các lĩnh vực như y học tái tạo và mỹ phẩm. Để chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng khác, họ cần phải thực hiện các cuộc thâu tóm ráo riết hơn và nhảy vào các liên minh chiến lược”, Minoru Matsuno, Chủ tịch Value Search Asset Management, nhà cố vấn đầu tư ở Tokyo, nhận xét.
Tuy nhiên, các nhà điều hành Fujifilm cho rằng sự khích lệ, động viên của Komori đối với các nhân viên để họ nghĩ ra những ứng dụng mới cho công việc chuyên môn hiện tại cũng sẽ là một nhân tố quan trọng không kém cho tương lai của Công ty. Tại Tilburg (Hà Lan), Akira Kase, người đứng đầu mảng các sáng kiến sinh dược của Fujifilm, nhớ lại những buổi họp mà ông cùng vắt óc suy nghĩ với các đồng nghiệp ở Hà Lan cách đây 10 năm. Một trong những ý tưởng của họ là phát triển một bộ lọc được sử dụng trong suốt quá trình lọc khí tự nhiên và sản phẩm này sẽ sớm có mặt trên thị trường.
“Điều bạn đang chứng kiến bây giờ chỉ là một phần nổi của tảng băng. Chúng tôi đã có hàng chục năm nghiên cứu công nghệ, tích lũy bí quyết kinh doanh. Và giờ thì chúng tôi đã mở ra những khả năng mới, dự kiến còn nhiều điều mới mẻ nữa sẽ đến”, ông Toda, nhà hóa học tại Fujifilm, nhận xét.
Bình luận