Gạo Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Châu Phi nói chung và Ghana nói riêng, đây là điều không thể bàn cãi bởi theo thống kê thì sản lượng gạo xuất sang Ghana của chúng ta đạt giá trị gần 180 triệu USD trong năm 2014. Thế nhưng trong 180 triệu USD đó thì nông dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt thu được lợi nhuận bao nhiêu? Và các công ty thương mại quốc tế và công ty nhập khẩu/phân phối tại Ghana đạt được lợi nhuận bao nhiêu? Đây là điều khó ai có thể biết được. Nhưng qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo sang Ghana thì chúng tôi biết được rằng, lợi nhuận là 1 con số rất nhỏ.
Hiện tại, gạo Việt Nam được bán với số lượng rất lớn tại Ghana, công ty nhập khẩu lớn nhất phải kể tới Olam, tập đoàn thương mại commodities lớn nhất tại khu vực Tây Phi, và họ rất bài bản khi lập chi nhánh tại Việt Nam để thực hiện các thương vụ thu mua rồi bán tại đầu Tây Phi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Một loạt các công ty phân phối khác của các doanh nhân Ả rập cũng tham gia thị trường gạo tại Ghana dựa vào nguồn vốn dồi dào từ Dubai, Singapore, Hongkong… và họ luôn biết cách ép giá mua tại Việt Nam rẻ nhất, thanh toán LC chậm nhất (lên tới 90 ngày) và lựa chọn thời điểm mua hợp lý nhất để kiếm lời.
Nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam cũng đã từng thăm dò và mong muốn tạo một sự đột phá tại thị trường Ghana như Tân Long, Hưng Lâm… nhưng thiếu nguồn lực con người, kinh nghiệm và hạn chế về khả năng xây dựng hệ thống phân phối khiến con đường đưa gạo Việt Nam trực tiếp vào Ghana gần như không thể thực hiện thành công. Tân Long đã thể hiện quyết tâm bằng việc đưa trực tiếp nhân lực sang tham gia nhập khẩu và phân phối gạo, nhưng họ đã phải rút lui không kèn không trống. Hưng Lâm thì bi đát hơn khi 3000 tấn gạo bị tắc ở cảng, bị lừa, bị mất trộm, bị kiện tụng… và cú sốc Ghana khiến họ phải mất rất nhiều thời gian mới gượng lại được.
Con đường nào cho hạt gạo Việt Nam
– Hãy tìm hiểu thị trường trước khi có kế hoạch thực hiện: Đa số các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo sang Ghana nhờ có “đối tác” mua tại Ghana, nhưng nên nhớ rằng tỷ lệ rủi ro mất hàng và bị lừa lên tới 80-90% nếu bạn không hiểu biết về thị trường mà chỉ tin vào đối tác. Hãy đầu tư cho việc nghiên cứu và tìm hiểu thị trường trước khi đưa hàng hóa vào Ghana để nếu như có sự cố xảy ra thì bạn có thể trực tiếp sang xử lý.
– Kênh phân phối là cốt lõi của thị trường gạo: nếu bạn không thể tổ chức được kênh phân phối bán gạo tại Ghana, đồng nghĩa với việc bạn không có một thương hiệu để đưa vào hệ thống phân phối tại Ghana thì đừng hi vọng rằng bạn sẽ thành công.
– Giá rẻ? Xin đừng phá giá nhau nữa: Gạo Việt Nam lúc này đã “có tiếng” là giá rẻ và phù hợp với người dân Châu Phi vốn có mức sống nghèo hơn Việt Nam, nhưng có lẽ 5-10 năm sau cũng vẫn là vậy. Bán gạo giá rẻ và phá giá nhau ngay từ khi bán cho đối tác đã khiến giá gạo Việt Nam đã thấp ngày càng thấp hơn. Vậy lợi nhuận ở đâu ra? Thương hiệu rẻ tiền thì margin bao nhiêu? Trong khi chi phí vận tải, thuế, các chi phí khác được áp phí tương đương với gạo đắt tiền khác. Nhà nước liệu có cách nào khiến cho giá trị của hạt gạo chúng ta cao hơn nữa hay không? Hay chỉ mang tiếng là gạo rẻ tiền.
– Thương hiệu nào cho gạo Việt: Tôi mới ngồi với anh bạn người Ả rập, Giám đốc của 1 công ty nhập khẩu gạo chiếm gần 15% thị phần gạo Ghana. Anh nói với tôi rằng: gạo Thái đắt nhờ thương hiệu, gạo Campuchia bây giờ ngon hơn mà rẻ hơn gạo Thái nên sẽ nghĩ tới việc nhập gạo có thương hiệu của Campuchia. Còn gạo Việt Nam thì tao lúc nào cũng có vài tàu sắp cập bến, nhưng giá phải rẻ mới bán được và bán số lượng, có ai quan tâm tới thương hiệu gạo Việt đâu? Vậy chúng ta phải làm gì để tạo dựng thương hiệu gạo cho chúng ta? Chúng ta có quy hoạch được thương hiệu gạo ngon nào để mà đưa ra mức giá đắt vẫn bán chạy như tôm tươi không? Có lẽ chúng ta sẽ học tập Thái Lan, nhưng đuổi Thái Lan thì chắc không bao giờ được, nên hãy quay sang học Campuchia đi để mà tạo thêm giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt.
Doanh nghiệp gạo Việt Nam có nên trực tiếp tham gia thị trường Ghana
Với một mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam, do Việt Nam sản xuất, do Việt Nam điều tiết sản lượng và phần nào là giá thì hoàn toàn chúng ta có thể làm được. Nhưng chúng ta phải học các doanh nghiệp quốc tế về cách tổ chức hệ thống, làm thương hiệu, phát triển kênh phân phối và đầu tư bài bản lâu dài. Ý nghĩ đánh 1 vài chuyến hàng để chụp giật một ít lợi nhuận sẽ không bao giờ giúp chúng ta phát triển được mà quan trọng là thương hiệu lâu dài cũng như cơ hội mở rộng thị trường. Hãy đào tạo đội ngũ nhân lực tốt, học tập các mô hình quản trị hiệu quả, chịu khó năng động tìm kiếm thị trường và dám nghĩ dám làm để tìm ra phương án hiệu quả thì mới có thể thành công. Các doanh nhân Ả rập khi vào Ghana phần lớn đều chưa có kinh nghiệm làm commodities để rồi sau vài năm lăn lộn tại thị trường họ đã kiểm soát hầu hết các mặt hàng nhập khẩu. Vậy chúng ta thì sao? Chỉ bán lúa non rồi rút, để lợi nhuận cho các công ty lớn ngày càng lớn hơn?
Bình luận